Vì sao không ngừng học hỏi giúp bạn trở thành quản lý xuất sắc?

Gần đây bạn có học được điều gì mới mẻ không? Là điều mà tôi luôn hỏi trong hầu hết các cuộc phỏng vấn các quản lý cấp cao. Nếu ứng viên không thể cho biết bất cứ điều gì họ đã học được trong tháng trước, tôi biết rằng họ không phải là sự phù hợp lâu dài bởi họ không có sự háo hức khám phá điều mới mẻ trong khi không ngừng học hỏi là yếu tố sống còn cho sự thành công của nhà quản lý.

Đọc thêm: Tại sao công ty cung cấp nhân sự cần nuôi dưỡng lòng kiên trì?

Không ngừng học hỏi giúp nhà quản lý trở thành phiên bản tốt hơn của chính họ giúp ích cho bản thân, đội nhóm và doanh nghiệp về lâu dài.

Lí do các nhà quản lý giỏi luôn không ngừng học hỏi

Nhiều người cho rằng lịch trình của quản lý đã dày đặc, họ đã đủ bận rộn, tại sao còn khiến mọi thứ nặng nề hơn bằng việc liên tục học hỏi? Bởi vì điều đó là cần thiết để phát triển, để luôn dẫn đầu, để sẵn sàng thăng tiến và giúp họ trở thành nhà quản lý tốt nhất có thể.

Bản thân cuộc sống là một trải nghiệm học tập lâu dài và thế giới kinh doanh hiện đại đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Thậm chí nhiều người nói vui rằng chỉ dừng lại ăn bữa cơm thôi mà đã cảm thấy mình như trở về thời kỳ đồ đá. Phũ nhưng thật. Có nhiều bài học kinh nghiệm từ năm trước giờ đã “lạc quẻ” trong hiện tại. Nếu không liên tục cập nhật những thay đổi, những xu hướng mới thì chỉ chớp mắt thôi người quản lý sẽ bị tụt lại phía sau. Điều đáng nói là không chỉ bản thân họ bị ảnh hưởng mà công ty còn dậm chân tại chỗ, có nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh cho “hít khói”.

Cùng với việc luôn cập nhật, ham học hỏi có thể giúp nhà quản lý cải thiện các kỹ năng hiện tại nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Vì họ không ngừng học hỏi và nuôi dưỡng trí tuệ cũng như tinh thần, họ sẽ khám phá ra những hướng đi mới để doanh nghiệp và dịch vụ của họ phát triển thành một điều gì đó thực sự khác biệt.

Khi đã chứng minh được năng lực thì còn sợ gì không nhận được sự tôn trọng từ nhân viên? Thậm chí họ còn là tấm gương để nhân viên làm theo. Nụ cười có tính lan truyền và việc học cũng không khác mấy. Nếu nhân viên đã thấy việc học các kỹ năng mới bổ ích như thế nào thì họ cũng sẽ muốn thử. Chẳng bao lâu sau, họ sẽ đề xuất để được tham gia một khóa học hoặc muốn tham dự hội thảo nào đó. Và sớm thôi, doanh nghiệp sẽ có một đội ngũ nhân sự mạnh mẽ, đầy bản lĩnh.

“Quản lý không phải là đích đến mà là một hành trình phát triển và không ngừng học hỏi. Điều đó có nghĩa là nhà quản lý cần giữ vững tinh thần ham học hỏi và nỗ lực nhiều hơn nữa. Hành trình quản lý sẽ chỉ thành công nếu họ cống hiến hết mình cho sự phát triển không ngừng.”

Nhưng duy trì việc học hỏi ở vai trò quản lý thế nào cho hiệu quả?

Câu trả lời là luôn tò mò về mọi thứ. Một nhà quản lý minh chứng cho sức mạnh của sự tò mò là Brain Grazer, người chịu trách nhiệm cho hàng chục chương trình và bộ phim ăn khách của Hollywood. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, ông đã đặt mục tiêu có ít nhất một cuộc trò chuyện mỗi tuần với ai đó về một chủ đề hoặc ngành nghề mà ông không biết gì. Bằng cách này, ông không chỉ mở mang trí tuệ mà còn xây dựng thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp.

Elon Musk cũng được biết đến với sự tò mò vô độ và không ngừng học hỏi. Ông được biết đến là người đọc nhiều về đa dạng các chủ đề, từ vật lý và kỹ thuật đến tiểu sử và khoa học viễn tưởng. Sự khát khao kiến ​​thức này đã giúp ông thành lập các công ty sáng tạo như Tesla và SpaceX – những công ty liên tiếp vượt qua ranh giới của công nghệ.

Nếu bạn không thể làm được như Brain Grazer hay Elon Musk cũng không sao. Trở thành một người học hỏi không ngừng có thể đơn giản như đọc một quyển sách, bài báo hoặc bài đăng trên blog mỗi tuần một lần hoặc nghe về hội thảo chuyên ngành trong khi ăn trưa… Làm gì cũng được nhưng cần nhớ rằng luôn có nhiều điều để học hỏi và khám phá. Điều này sẽ giúp chúng ta luôn có động lực trong hành trình học tập không ngừng của mình, đồng thời nuôi dưỡng sự phấn khích về thế giới xung quanh.

Một trong những cách khác mà tôi cho là tốt nhất để học là dạy người khác. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng khi dạy người khác làm việc gì đó, chúng ta buộc mình phải trình bày rõ ràng và điều này giúp chúng ta tìm hiểu vấn đề sâu hơn.

Hơn nữa, một số nhà quản lý “có năng lực một cách vô thức”, nghĩa là làm mọi việc một cách tự nhiên, theo thói quen hoặc vì cảm thấy đúng. Dạy cho người khác khiến chúng ta suy nghĩ lại về những gì đang làm và điều chỉnh cho tốt hơn. Nhờ vậy mà chúng ta cũng nâng tầm giá trị bản thân. Thật khó để dạy ai đó làm tốt hơn, trong khi bản thân chúng ta không đạt được tiêu chuẩn cao như vậy.

Nếu bạn muốn được liên tục học hỏi thì hãy kết nối với những người khác nhau, bắt đầu từ việc xây dựng một nhóm đa dạng (nếu bạn có quyền ra quyết định tuyển dụng) đến những mối quan hệ trong cuộc sống.

Nếu chỉ dành thời gian với những người có cùng sở thích và kinh nghiệm, bạn sẽ không bao giờ học được nhiều hơn những gì bạn đã biết. Việc học bắt đầu với một thử thách để suy nghĩ khác với những gì bạn có trước đây và nhìn mọi thứ theo một cách mới. Điều đó xảy ra dễ dàng nhất khi xung quanh bạn là những người đa dạng tính cách, sở thích lẫn văn hóa.

Nếu bạn muốn dẫn đầu mọi người, hãy cố gắng trở thành một nhà quản lý mạnh mẽ. Và nếu bạn muốn trở thành một nhà quản lý mạnh mẽ, hãy ưu tiên cho việc học. Càng không ngừng học hỏi, bạn sẽ càng trưởng thành và càng “chín muồi” về năng lực lẫn kỹ năng, bạn sẽ càng giúp ích cho bản thân, đội nhóm và doanh nghiệp về lâu dài.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét