Cung ứng nhân sự - Sự Công Bằng trong Quản Lý Nữ Giới

Đối với người phụ nữ, xã hội có cái nhìn khắt khe hơn về trách nhiệm, về nhân cách, nhưng lại hạn chế mang đến cho phụ nữ những lợi ích mà họ xứng đáng nhận. Đặc biệt trong công việc, chúng tôi nhận thấy người phụ nữ ít được giao trọng trách hơn, khiến họ bị hao mòn năng lực, đồng thời doanh nghiệp cũng mất đi lợi ích từ tài năng của người phụ nữ. Chính vì vậy, đảm bảo công bằng trong quản lý đối với nhân sự nữ chính là phương thức thúc đẩy lợi ích hiệu quả.

Cung ứng nhân sự, công bằng nữ giới.

I. Thế nào là công bằng trong quản lý đối với lao động nữ?

Nam giới làm công việc gì thì phụ nữ cũng làm công việc đó, nam giới có lợi ích gì thì phụ nữ cũng có lợi ích đó – đây là một quan niệm sai lầm về sự công bằng giới tính trong quản lý công việc.

Bởi lẽ, ở mỗi giới tính, cá nhân sẽ có những đặc trưng riêng về sức khỏe, về khả năng thích ứng, về phương thức tiếp cận nhiệm vụ… Do vậy, sự công bằng được đề cập ở đây là cách đánh giá theo những tiêu chuẩn linh hoạt cho từng giới tính, cách bố trí công việc phù hợp với thể trạng mỗi người. Từ đó, người phụ nữ có được môi trường làm việc tốt, tìm thấy cơ hội phát triển tốt, tự tin phát huy năng lực, mang lại nhiều thành tựu cho doanh nghiệp trong vai trò công việc được giao phó.

II. Chính sách quản lý công bằng đối với nhân sự nữ

Để xây dựng chính sách quản lý công bằng, doanh nghiệp cần dựa trên đặc thù loại hình kinh doanh sản xuất của chính doanh nghiệp mình. Từ đó, liệt kê những yếu tố cần thiết, gồm:

1. Những vị trí phù hợp cho ứng viên nữ

Cùng một trình độ chuyên môn như nam giới nhưng không phải tất cả mọi vị trí đều phù hợp với phụ nữ. Dễ nhận thấy nhất là trong ngành xây dựng, những kỹ sư công trình đa phần là nam, không phải vì không có nữ kỹ sư giỏi nhưng với điều kiện nắng mưa, phải ăn ngủ nơi công trình hằng tháng trời thì điều kiện sức khỏe và tiện ích sinh hoạt dành cho nữ giới không được đảm bảo.

Bù lại, những công việc văn phòng, đòi hỏi tính tỉ mỉ, chu đáo, đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn lại là sở trường mà người lao động nữ giỏi nhất. Do vậy, nhà tuyển dụng nên ưu tiên bố trí lao động nữ vào những vị trí thích hợp này.

2. Điều kiện làm việc giúp nhân sự nữ phát huy tối đa năng lực

Năng lực là điều kiện “cần”, môi trường làm việc chính là điều kiện “đủ” giúp nhân viên mang đến nhiều lợi ích cho công việc. Với nhân sự nữ cũng vậy, một môi trường làm việc:

  • Thân thiện, giao tiếp hòa đồng, an toàn cho lao động nữ

  • Đồng nghiệp hỗ trợ nhau trong công việc

  • Tôn trọng, lắng nghe và ghi nhận những đóng góp mang tính xây dựng của nhân viên nữ

  • Cấp trên giỏi chuyên môn, tư vấn hỗ trợ giải quyết hiệu quả những khó khăn trong công việc…

  • Chính là những yếu tố giúp phụ nữ an tâm, mạnh dạn phát huy năng lực và những sáng kiến nâng cao hiệu suất công việc.

3. Tiêu chuẩn đánh giá nhân viên nữ

Hiện nay, tiêu chuẩn đánh giá KPI được các doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất trong công tác đánh giá. Đối với KPI dành cho lao động nữ, các tiêu chí đánh giá không khác gì so với lao động nam nhưng thang điểm và tỷ lệ % hoàn thành sẽ có sự khác biệt.

Điều này đòi hỏi sự tỉ mỉ và chuyên môn xây dựng KPI cao, cùng sự quan sát cẩn trọng quá trình làm việc và những khó khăn mà người phụ nữ gặp phải trong công việc.

Từ đó, bảng tiêu chí đánh giá KPI sẽ được chia nhỏ thêm những nội dung liên quan đến khó khăn của từng giới tính. Có như vậy kết quả KPI mới thật sự có ý nghĩa, vì khi đó, những yêu cầu cải thiện giúp người phụ nữ làm việc hiệu quả hơn sẽ được nhìn nhận rõ nhất.

4. Chính sách phúc lợi đặc thù dành cho lao động nữ

Những chính sách theo luật lao động Việt Nam như nghỉ thai sản, nghỉ chăm con đau ốm, tuổi về hưu… là yêu cầu bắt buộc mà doanh nghiệp phải thực hiện.

Ngoài ra, còn có những chính sách phúc lợi riêng mà một số doanh nghiệp đã áp dụng và đang mang lại hiệu ứng tốt, có thể kể đến:

  • Giới hạn thời gian làm việc tăng ca dành cho lao động nữ

  • Thực hiện khám sức khỏe phụ khoa định kỳ hằng năm (bên cạnh khám sức khỏe bình thường như nam giới)

  • Thẻ bảo hiểm sức khỏe cho lao động nữ cùng với con nhỏ (miễn phí hoặc giảm 50% chi phí)

  • Xây dựng nhà trẻ với mức học phí thấp, thậm chí miễn học phí dành cho con của nhân viên nữ làm việc tại doanh nghiệp

  • Hỗ trợ đăng ký nhập học cho con của họ tại trường địa phương (hướng dẫn đăng ký KT3, đảm bảo trẻ nhập học thuận lợi)

  • Hỗ trợ nơi ở ký túc xá dành cho lao động nữ xa nhà (có thể ở cùng gia đình mới mức giá thuê và sinh hoạt phí thấp nhất) …

5. Xây dựng bộ phận hỗ trợ, tư vấn dành cho lao động nữ

So với nam giới, cuộc sống tâm lý tình cảm của người phụ nữ thường phát sinh nhiều vấn đề hơn. Đặc biệt là những lao động nữ trẻ, lần đầu tiếp xúc môi trường làm việc quy mô lớn với nhiều mối quan hệ phức tạp.

Những vướng mắc này ít nhiều gây tâm lý hoang mang, lo sợ, thậm chí stress nặng khiến năng suất lao động bị giảm sút. Trong khi đó, họ đều là những lao động giỏi, có năng lực. Chính vì vậy, để giữ chân nhân tài, xây dựng mối quan hệ thân tình gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp, một số doanh nghiệp quy mô lớn với lượng lao động nữ đông nên xây dựng một bộ phận hỗ trợ, tham vấn sức khỏe, tâm lý dành cho phái nữa. Bộ phận này có thể trực thuộc phòng công đoàn để thuận lợi quản lý, hoặc tách riêng tùy vào sự sắp xếp của doanh nghiệp.


Phụ nữ được tạo hóa ban cho sự khéo léo, chu đáo và sống tình cảm, do vậy, họ thường cam chịu mà ít khi lên tiếng. Đảm bảo sự công bằng trong quản lý đối với nhân sự nữ sẽ giúp doanh nghiệp phát huy được năng lực quý báu của người phụ nữ, tìm ra những nhân tài xuất chúng, và đặc biệt, sẽ duy trì mối quan hệ gắn kết lâu dài, mang đến nhiều thành công trong kinh doanh.

I. Vì sao phụ nữ thường bị căng thẳng công việc nhiều hơn?

Số lượng công việc nhiều, phải làm thêm giờ thường xuyên là lý do gây ra áp lực công việc nhưng dành cho cả nam và nữ. Còn đối với riêng phụ nữ, đây mới chính là những nguyên nhân đặc thù gây ra áp lực công việc

  • Định kiến cho rằng phụ nữ không giỏi bằng nam giới, làm hạn chế sự mạnh dạn của người phụ nữ.

  • Chỉ lắng nghe ý kiến của người lao động nữ như một phép lịch sự, hoàn toàn không có sự cải thiện công việc từ những đóng góp của họ.

  • Đa phần công việc của người phụ nữ đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết nên những sai sót nhỏ rất dễ xảy ra, khiến họ bị áp lực, luôn lo lắng, nhất là khi người quản lý không thấu hiểu mà chỉ biết giao việc và trách phạt.

  • Ít được trao cơ hội thăng tiến, mặc dù thâm niên, kinh nghiệm, trình độ đều không thua kém đồng nghiệp nam.

  • Phải gánh vác cả áp lực gia đình bên cạnh áp lực công việc, ít nhiều sẽ có sự chồng chéo cảm xúc, gây ra tình trạng áp lực nặng hơn.

II. Phương pháp giúp phụ nữ vượt qua áp lực công việc hiệu quả

Để giải tỏa áp lực công việc, trước hết, người phụ nữ cần xác định được nguyên nhân gây ra áp lực. Hãy dành khoảng 01 – 02 tiếng cuối tuần, tĩnh tâm ngồi xuống, nhìn lại hoặc ghi ra giấy những áp lực mà mình đang phải đối mặt. Sau đó, hãy tham khảo một trong những cách giải tỏa áp lực sau:

1. Chia sẻ công việc gia đình cùng chồng và người thân

Tính cách người phụ nữ thường đòi hỏi mọi việc chu toàn theo cách mình mong muốn, chính vì vậy, chỉ khi họ làm thì họ mới an tâm. Kết quả là gánh vác gần như tất cả công việc và mối lo toan trong gia đình.

Bạn hãy thử một lần tin tưởng vào chồng, vào con, vào những người thân trong gia đình và trao việc nhà thích hợp cho họ xem. chúng tôi tin chắc bạn sẽ cảm thấy bất ngờ và tự hỏi “tại sao mình không làm điều này sớm hơn”.

Thật sự, những người xung quanh bạn luôn muốn hỗ trợ bạn, chỉ là họ sẽ hoàn thành theo cách của họ, kết quả công việc nhà vẫn như nhau nên bạn hãy an tâm chia sẻ nhé. Giảm bớt gánh nặng gia đình sẽ giúp phụ nữ có thêm thời gian, tâm trí dành cho công việc, áp lực giảm đáng kể.

2. Lên tiếng khi khối lượng công việc tăng lên

Thông thường, doanh nghiệp sẽ trao việc theo nhóm khách hàng. Cùng với thời gian, số lượng khách hàng dù không tăng nhưng lượng đơn hàng sẽ tăng lên. Công việc của bạn lại là giải quyết theo từng đơn hàng, chính vì vậy, bạn phải lăn xả làm việc mỗi ngày.

Hãy mạnh dạn nói với người quản lý về sự quá tải của bạn, vì khi bạn im lặng, họ sẽ mặc định nghĩ rằng bạn vẫn ổn. Phụ nữ Á Đông luôn giàu đức hy sinh, họ sẵn sàng cam chịu, nhưng trong trường hợp này thì bạn nên lên tiếng.

Vì nếu việc quá nhiều, áp lực quá lớn, sai sót sẽ xảy ra, lúc đó, chính người quản lý sẽ đổ lỗi cho bạn đã không khuyến cáo họ về việc quá tải công việc để có hướng giải quyết sớm hơn.

3. Hỗ trợ đồng nghiệp vừa phải

Đồng nghiệp hỗ trợ nhau là điều tốt nhưng sẽ có những cá nhân không cảm thấy ngại hoặc nghĩ cho sự quá tải công việc của đồng nghiệp, chỉ cần biết có người khác làm thay mình là được. Vì vậy họ :

  • Nghỉ phép đi du lịch rải rác suốt năm.

  • Viện cớ nhà xa không lên công ty xử lý việc gấp được

  • Lễ Tết về quê sớm vì lỡ đặt vé và nhờ đồng nghiệp ở thành phố làm hộ việc

  • Sau Tết vào trễ vì lỡ chuyến bay và lại nhờ đồng nghiệp làm hộ…

Chúng tôi tâm niệm rằng “Một khi ai đó cần mình giúp đỡ, trước hết phải cho mình thấy sự nỗ lực của họ đã”, khi họ nỗ lực mà vẫn không làm kịp thì mình mới hỗ trợ. Ai cũng có công việc của mình, nếu đảm nhận việc của người khác mà làm bị sai sót, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Hãy góp ý với quản lý của bạn, nếu tình hình chưa được cải thiện, một là bạn xin chuyển sang bộ phận khác trong cùng công ty, hai là tìm nơi làm việc mới xứng đáng với nỗ lực của bạn hơn.

4. Dành cho bản thân thời gian nghỉ ngơi

Có một ứng viên chia sẻ với chúng tôi, trước đây họ không dám nghỉ phép vì công việc cứ dồn đến liên tục, họ sợ đồng nghiệp không quản lý phụ được, sợ khi nghỉ phép vào sẽ phải đối mặt với mớ hồ sơ hỗn độn… sợ đủ thứ, thế là bạn ấy cứ làm miết, căng thẳng miết, không có thời gian để cho bộ não nghỉ ngơi, trong khi đồng nghiệp thì cứ thay nhau nghỉ phép, du lịch, và người hỗ trợ lại chính là bạn ấy.

Tính cách chu toàn ở người phụ nữ không sai, thậm chí là rất tốt, nhưng cần có sự linh hoạt để tốt cho bản thân nhất. Và đến một lúc, bất đắc dĩ vì việc nhà bạn phải nghỉ phép, và mọi chuyện không tệ như bạn lo sợ.

Từ đó, bạn ấy chủ động sắp xếp công việc hơn, dành cho mình những khoảng lặng để bình tâm trước áp lực công việc, du lịch ở đâu đó 1-2 ngày, khi quay về, hiệu suất làm việc còn tăng cao hơn. Bạn hãy thử áp dụng như người bạn này nhé.

Trên đây là 04 phương pháp làm thế nào để phụ nữ vượt qua áp lực công việc mà chúng tôinhận thấy mang lại độ khả thi cao nhất, có thể áp dụng trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. Đây được xem là trọng điểm bao quát nhất, những cách thức còn lại đều là những nhánh nhỏ từ 4 phương pháp này. Chúc bạn sớm tìm thấy cách giải tỏa căng thẳng công việc phù hợp, luôn là người phụ nữ hạnh phúc và thành công !

Đăng nhận xét

0 Nhận xét